Saturday, 29 July 2017

Words and their stories 5. Bridge

Chào các bạn, chúng ta lại gặp nhau trong chuyên mục học tiếng Anh qua các câu chuyện. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh chữ “bridge” trong tiếng Anh nhé.

 Các bạn biết không, tất cả các sinh viên quốc tế trước khi chính thức bắt đầu vào học đều được khuyến khích tham gia “Orientation Week” (tuần định hướng) và tôi cũng không ngoại lệ. Tuần gọi là “orienation week” này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì những sinh viên quốc tế sẽ được làm quen với môi trường mới, được giới thiệu các phòng, ban khác nhau trong trường, cách học tập, cách sử dụng thư viện, cách mở tài khoản ngân hàng, cách tìm việc làm thêm, nơi cần đến nếu gặp vấn đề gì đó, gặp gỡ giao lưu với tất cả các sinh viên quốc tế khác và nhiều vấn đề liên quan đến học tập, cuộc sống, giải trí và về đất nước Anh.
London Tower Bridge (Nguồn Internet)
 Chính tuần định hướng này làm cầu nối giúp thu hẹp khoảng cách giữa người học với môi trường học mới. Trong tiếng Anh, ta có cụm từ “bridge the gap” (kết nối, thu hẹp khoảng cách). Cụm từ này ngoài ý nghĩa là gắn kết, thu hẹp khoản cách (across a space) thì còn có nghĩa bóng là làm hoặc tạo cái gì đó một cách tạm thời, không lâu dài. Ví dụ, “We can bridge the gap with a few temporary employees.” 

Lúc mới sang London để đi học và do tôi là sinh viên quốc tế duy nhất trong lớp đạt học bổng nên việc phải đạt kết quả học tập tốt để duy trì học bổng và để lại hình ảnh tốt về người sinh viên Việt Nam chăm chỉ cũng gây cho tôi nhiều áp lực. Ngoài ra, cách học, cách kiểm tra và thi cử khác với Việt Nam cũng làm tôi bối rối trong giai đoạn đầu. Hầu như tôi dành hết tất cả thời gian có thể để học, đọc sách trong thư viện, chuẩn bị nội dung thảo luận trên lớp và làm các bài tập kết thúc học phần. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về những “deadlines” (hạn nộp bài), các bài kiểm tra và thậm chí cả đề tài luận văn tốt nghiệp.

Khi thấy tôi luôn căng thẳng và lo lắng cho việc học của mình, các bạn trong lớp của tôi mới nói “Oh it’s over a year away. Don’t cross that bridge until you come to it” (Trời ơi, còn cả năm nữa mà! Chuyện gì tới rồi sẽ tới thôi. Lo làm chi?”. Cụm từ “Don’t cross that bridge until you come to it” (chuyện gì đến rồi sẽ đến, hơi đâu là lo xa) được dùng để nói rằng chúng ta không cần thiết phải quá lo lắng về những mối bận tâm, vấn đề hay khó khăn nào đó vì chưa chắc chúng sẽ xảy ra trong tương lai. Và cụm từ này thì trái nghĩa với “Cross the bridge when you come to it”(khi chuyện gì tới thì cứ giải quyết thôi). 

Các bạn biết không, khi nhắc đến London thì người ta không thể không nói đến dòng sông Thames êm đềm, uốn lượn chảy qua thành phố. Dòng sông này có tổng chiều dài là 346 km, là dòng sông dài nhất nước Anh (England) và dài thứ hai sau sông Severn ở Vương quốc Anh (The UK). Tôi sẽ quay lại kể về dòng sông này trong bài viết khác vì chủ đề hôm nay nói về chủ đề “bridge”. Trong tiếng Anh, ta có cụm từ “cross this bridge later” để chỉ việc sẽ quay lại chủ đề, vấn đề nào đó sau vì bây giờ mình còn đang làm những việc khác đáng chú ý hơn.

Cầu bộ hành Millenium, tòa nhà mái vòm là Thánh Đường St. Paul
Tổng cộng có khoảng 212 cây cầu (bridge) bắc qua dòng sông này và riêng đoạn chảy qua London có khoảng 33 cây cầu. Mỗi cây cầu bắc qua dòng sông Thames là một hình dáng, cấu trúc màu sắc khác nhau, ấn tượng nhất là London Tower Bridge. Được xây dựng vào năm 1894, London Tower Bridge là cây cầu mang tính biểu tượng của London. Với chiều dài là 244 mét, bắt ngang dòng sông Thames cực kỳ thơ mộng. Hai nhịp chính giữa cây cầu này có thể được kéo lên cao để cho những tàu, thuyền lớn đi qua. Tôi đã đến thăm cây cầu này ngay vào ngày thứ 2 khi tôi đặt chân đến London cùng với những sinh viên quốc tế khác mà tôi vừa làm quen tại Marylebone Campus của trường Đại học Westminster, đối diện với Bảo tàng sáp London Madame Tussauds và cách đó không xa là bảo tàng thám tử Sherlock Homes.

Để xây dựng những cây cầu bắc qua sông Thames đẹp như hiện nay, rõ ràng những kiến trúc sư phải là những người cực kỳ sáng tạo và có một bộ óc thẩm mỹ tuyệt vời. Trong tiếng Anh, chúng ta có cụm từ “build bridges” (xây cầy, bắt cầu, làm cầu nối). Ngoài ý nghĩa là xây dựng những cây cầu, cụm từ này còn được dùng để chỉ việc giúp gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta thường hay nói, người phiên dịch là người làm việc “build bridges” (nhịp cầu ngôn ngữ) để giúp cho các bên hiểu nhau. 

Trong quá trình học ở đó, tôi cũng đã có lần tranh cãi dữ dội với một bạn sinh viên người Trung quốc về vấn đề biển Đông. Số là trong một lần, cả nhóm khoảng 7,8 bạn đủ loại quốc tịch trong lớp rủ nhau đi ăn, đang ngồi ăn uống, nói chuyện vui vẻ thì bạn người Trung Quốc nói về việc Việt Nam lấn chiếm biển Đông của Trung Quốc. Tôi nổi nóng lớn tiếng cự lại và được các bạn khác khuyên bỏ qua. Tôi nói với bạn Trung Quốc đó rằng bạn đó nên về học lại lịch sử và từ đó không thèm nói chuyện với bạn đó nữa dù gặp nhau hàng ngày. 

Rõ ràng trong hoàn cảnh đó, bạn người Trung quốc không nên nói về vấn đề chính trị nhạy cảm, nhưng bạn đã đi quá giới hạn chịu đựng của tôi nên tôi không thèm nói chuyện với bạn đó nữa. Trong tiếng Anh, ta có cụm từ “A bridge too far”(hành động đi quá giới hạn, khả năng dẫn đến có thể gây thất bại hoặc hậu quả lớn). Ví dụ như “Teasing caged animals such as tigers or lions in zoos is a bridge too far becaue it may lead to fatal results” (Chọc ghẹo những con vật nuôi nhốt như cọp hay sư tử trong các sở thú là hành động đi quá giới hạn vì nó có thể gây hậu quả chết người).

Cụm từ “be water under the bridge” được dùng để nói đến một vấn đề hoặc một tình huống nào đó không vui đã xảy ra trong quá khứ và không thể thay đổi được. Cụm này cũng giống như cụm từ “be like water over the dam” hoặc “let bygones by bygones” vậy đó. Ví dụ, “my classmates certainly had several disagreements during the last year, but that’s all like water under the bridge” (Tôi và các bạn trong lớp có những bất đồng trong năm học qua, nhưng mọi việc cũng đã qua rồi).
Trên cầu Westminster, phía sau là London Eye
Dù vài tháng sau đó trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, người bạn Trung Quốc đó cũng đôi lần lân la đến nói chuyện với tôi khi tôi đang thảo luận với các bạn khác, nhưng nổi bực bội của tôi khi nhớ đến việc bạn đó ngang nhiên nói Việt Nam xâm chiếm biển Đông làm tôi không thể nào mở lòng để tiếp tục nói chuyện với bạn. Chính bạn đó đã “burn her bridge in front of her” trước nên tôi không cho bạn đó cơ hội nào để nói chuyện với tôi nữa. Trong tiếng Anh, cụm từ “burn one’s bridges in front of (one)” (chặn cơ hội hoặc đường tiến tới của ai đó). Ví dụ, I made a mistake at work again. I always seem to burn my bridges in front of me. (Tôi lại mắc lỗi nữa rồi. Dường như tôi luôn làm mất cơ hội tiến lên của mình).

Ngoài ra, trong tiếng Anh, chúng ta cũng có cụm từ “burn your boats”. Cụm từ này cũng giống như cụm “burn your bridge” (qua cầu rút ván, không còn đường lùi). Cụm từ này xuất phát từ việc xưa kia, khi xua quân đi xâm chiếm các đảo khác hoặc kinh thành khác thì các tướng lãnh quân đội ra lệnh binh sĩ phải đốt hết ghe, tàu để họ chỉ còn một cách duy nhất là tấn công chiến thắng chứ không được thất bại vì ghe, tàu bị đốt hết rồi thì không có đường lùi. 

Cụm này được dùng để nói lên việc chúng ta làm một việc gì đó để rồi sau đó không thể thay đổi kế hoạch để quay lại như lúc ban đầu nữa. Ví dụ như “she actually burned her boat with her former employer by publicly criticizing their service” (Cô ta đã thật sự không thể quay lại làm cho chủ cũ được nữa khi công khai chỉ trích chất lượng dịch vụ của họ).  

Bài cũng dài rồi phải không các bạn, chúng ta xem lại những cụm từ liên quan nhé.

- bridge the gap
- Don’t cross that bridge until you come to it
- Cross the bridge when you come to it
- cross this bridge later
- build bridges
- A bridge too far
- Be water under that bridge.
- burn her bridge in front of her
- burn the boats
- burn the bridge

No comments:

Post a Comment