Saturday, 22 July 2017

Làm gì nếu không làm cho nhà nước?

Mấy hôm trước đi hớt tóc, gặp một Bác lớn tuổi, cũng đi hớt tóc cùng một chổ, ngồi nói chuyện với nhau. Ông hỏi tôi bây giờ làm gì, tôi nói vừa thôi việc nhà nước được hơn 6 tháng, đang làm freelancer. Ông già nhấp nhổm như ngồi trên ổ kiến lửa, quai quái nói như chưa từng được nói; “Ôi, sao con nghỉ việc uổng vậy?, Đi học cho lắm vào sao không làm cho nhà nước có công việc ổn định, mai mốt lớn tuổi còn có lương hưu? Vậy con làm gì sống, lấy gì nuôi gia đình?”. Ông cụ giảng cho một hồi nào là làm nhà nước sung sướng, sáng la cà uống café rồi mới vô làm, rồi Ông chỉ cho mình vài người làm nhà nước mới thời gian ngắn mà giàu khủng khiếp, cất nhà to, xe bốn, năm bánh con ạ. Còn giáo viên thì dạy ít giờ chứ không như làm công nhân tăng ca vất vã, rồi lại hỏi sao con khờ thế bla bla và bla. 
 Tôi hiểu Ông cụ. Ông già rồi, sống ở nông thôn cả đời ít có cơ hội đi ra ngoài để thấy rằng đâu nhất thiết phải làm cho nhà nước, vô trường công lập dạy thì mới ổn định công việc, có lương hưu (thật ra là tiền của mình nhưng chưa chắc có cơ hội để lãnh đâu à)!?. Thấy Ông nói giọng hơi tiếc nhưng thời gian gặp nhau ngắn trong lúc hớt tóc, cũng chẳng thân thiết gì thì giải thích làm gì cho mất công nên tôi chỉ ngồi cười cười, dạ dạ cho qua chuyện. Đôi khi tôi còn không hiểu tôi muốn cái gì thì làm sao giải thích để Ông cụ đó hiểu được tôi nghĩ và muốn làm gì!?.
Nói tóm lại, làm việc ở đâu, cho ai là quyền lựa chọn của mỗi người tùy vào năng lực và sở thích. Bản thân tôi luôn quan niệm rằng, làm ở đâu cũng được nhưng phải có tâm, có đam mê và nhiệt huyết thì mới thành công.
Thôi! Đó không phải là nội dung chính mà tôi muốn nói với các bạn trong Note này. Các bạn trẻ, đang là sinh viên mà đặc biệt là sinh viên ngành tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói chung, có đam mê theo nghề giảng dạy cần phải đọc kỹ Note này vì đây là những gì tôi hay nói với các sinh viên của mình.
Hiện nay, số lượng giáo viên tiếng Anh trong các trường học gần như bão hòa, như cầu tuyển giáo viên tiếng Anh mới rất ít, nếu có thì gần như chỉ tuyển những bạn xuất sắc nhất, học giỏi nhất vào các vị trí đó rồi. Vậy số lượng sinh viên tiếng Anh quá lớn thì làm gì nếu không đi dạy, không được vào biên chế các trường công lập?
Trong tiếng Anh có một thành ngữ (idiom) rất hay, đó là “Every cloud has a silver lining” (trong cái rủi có cái may). Nếu các bạn không được tuyển vào trường công lập, vào biên chế để giảng dạy thì cũng không phải là vấn đề gì đó quá lớn kiểu như “the end of the world”. Nhiều khi ta hay nói, “One door closes, Two others open” tức là biết đâu không được vào biên chế để dạy, bạn lại có rất nhiều cơ hội khác để rèn luyện, chứng tỏ bản thân?
Vậy các bạn sẽ làm gì nếu không làm giáo viên biên chế trong trường công lập? Xin thưa, có hàng ngàn công việc khác cho các bạn làm, nếu các bạn là người năng động, tự tin và cầu tiến. Các bạn nên nhớ rằng, công việc bạn đang làm không làm cho các bạn sang trọng hơn, hay hèn mọn hơn nếu đó là công việc chân chính, làm bằng sức lao động của chính mình, nó tốt hơn rất nhiều so với những kẻ tham nhũng, ăn hối lộ, không có lương tâm nhé. Khi các bạn tốt nghiệp, tức là các bạn ở độ tuổi 23 hay 24 tuổi, các bạn còn rất trẻ và sẽ cần rất nhiều kỹ năng khác cũng như kinh nghiệm trong các môi trường khác nhau. Các bạn nhớ rằng chỉ giỏi ngoại ngữ thôi là chưa đủ, mà để có kinh nghiệm và kỹ năng trong các môi trường khác nhau thì chỉ còn một cách duy nhất là lăn xả dấn thân vào các công việc khác nhau.
Ví dụ, chỉ là ví dụ vài việc làm cho các bạn thử sức thôi nhé.
- Nhận làm trợ giảng cho các trung tâm ngoại ngữ. Đây là công việc có thể nói là “Kill too many birds with one stone” (Một công mà làm được ba bốn chuyện). Các bạn sẽ có môi trường tiếng Anh để tiếp tục rèn luyện, có cơ hội giao tiếp tiếng Anh nhiều hơn, học hỏi phương pháp giảng dạy của những thầy cô có kinh nghiệm, kiếm đủ tiền (biết đâu hên được nhiều hơn mong đợi thì sao?) để trang trải cuộc sống cá nhân, có thời gian để trui rèn bản lĩnh, hoặc nâng cấp trình độ và năng lực giảng dạy tiếng Anh của mình lên một tầm cao mới và một ngày đẹp trời nào đó, trung tâm đó sẽ mời bạn làm giáo viên chính thức thì sao?
- Làm start-up nhỏ với công việc kinh doanh chẳng hạn như bán café mang đi, tiện lợi. Tìm chổ nào gần các công ty, doanh nghiệp nước ngoài cũng được, làm cái xe café mang đi. Công việc này giúp bạn nâng cao tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp và có thu nhập ban đầu khi chưa có việc làm chính thức. Với lượng khách hàng tìm năng với số lượng công nhân, nhân viên công ty hàng trăm, hàng ngàn người thì thu nhập của các bạn chắc chắn sẽ gấp 3,4 lần những bạn xuất sắc nhất làm giáo viên biên chế trường công lập. Và biết đâu khởi nghiệp nhỏ ban đầu có thể trở thành một Café Trung Nguyên thứ hai ở Vịt Lam thì sao? Với lợi thế năng động, tiếng Anh giỏi như tiếng Việt, buôn bán gần các công ty, doanh nghiệp sẽ gặp gỡ khách hàng là người nước ngoài, ngày nào cũng bán café ngon cho anh ta, anh ta nghiện café Việt sẽ rước luôn cô chủ về tư dinh để mỗi ngày anh ta khỏi đi bộ ra ngoài công ty mua café nữa!
- Dạy thêm ở nhà. Mở lớp nhỏ thôi, chừng năm, bảy bạn/lớp cũng được. Với học phí trung bình hiện nay là 500 nghìn đồng/em/tháng. Do các em mới ra trường, chưa có thương hiệu thì tính giá hữu nghị thôi, khoảng 300 nghìn/em. Vậy nếu các em có hai nhóm nhỏ, tức là mỗi tháng các em có thể kiếm được 3 triệu ông cụ. Các em cứ đầu tư thật tốt, giảng dạy nhiệt tình, giúp học sinh tiến bộ thì sau một năm, số lượng học sinh sẽ tăng lên gắp đôi, số tiền sẽ là 6 triệu ông cụ/tháng, lúc này cái bạn đạt xuất sắc đang làm biên chế kia chỉ mới vừa hết tập sự, với lương khởi điểm bậc 1 đó nghe. Lợi thế của công việc này là không ai bắt các bạn phải mặc đồng phục áo dài, áo ngắn, giày thường hay giày quay hậu, không ai kiểm tra hồ sơ, giáo án của các bạn, không ai dự giờ đột xuất bạn, không ai kêu các bạn đi họp mỗi tuần chỉ vì những việc có thể thông báo qua email. Công việc chính của các bạn là đầu tư giúp các em học tốt, thời gian rãnh mua thêm sách vở tiếng Anh về học thêm, trao dồi thêm và tìm cái học bổng nước ngoài nào đó để đi học. Biết đâu một buổi sáng đẹp trời nào đó, thức dậy kiểm tra email thì nhận được tin đạt Full Scholarship và sau thời gian ngắn làm hồ sơ thôi. Các bạn mở mắt thức dậy sẽ nghe một câu chào rất là dễ thương “Welcome to England!’ cho hành trình chuyển từ con vịt xấu xí thành con thiên nga à.
- Chuyển sang làm phiên dịch. Nghề này đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau như giao tiếp, trí nhớ tốt, nhanh nhẹn, chuẩn xác ect. Nếu theo nghề này, cơ hội cọ xát tiếng Anh vô cùng tuyệt vời, gặp gỡ toàn những nhân vật tai rất là to và mặt rất là bự (chắc do mập), được đi nhiều nơi và cơ hội thử thách bản thân. Tôi tặng các bạn một quyển sách How to succeed as a freelance translator để các bạn đọc. Quyển sách rất hay và chi tiết từ việc chuẩn bị nghề phiên dịch như thế nào, các công cụ cần thiết cho nghề, cách giải quyết những vấn đề phát sinh ra sao, và nhiều thứ rất hay ho khác nữa. Sách được viết với văn phong rất đơn giản, dễ hiểu, không có từ nào là quá khó với các bạn. Thử nghiên cứu xem sao. Ráng đi, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, bạn tháp tùng dịch cho ông Tổng thư ký Liên Hiệp quốc sang thăm Vịt Lam thì sao? Sách nè các bạn http://www.mediafire.com/file/gjrfl8xfp54764f/How_to_Suceed_as_a_Freelance-Translator%281%29.pdf
Các bạn bớt hoang mang về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai chưa nè?

No comments:

Post a Comment