Saturday, 28 September 2019

Du học Đài Loan 7: Vài khó khăn gặp phải khi đi du học!

Mấy hôm nay mình im lặng trên blog, không viết gì mới thêm để các bạn đọc. Lý do thì có nhiều nhưng tựu trung lại thì chẳng qua là không có thời gian rảnh, hoặc không muốn bị phân tâm trong công việc.

Trong con mắt nhiều bạn, được sang nước khác để đi học, làm việc là điều tuyệt vời với biết bao nhiêu cảnh đẹp để mình tham quan, được tung tăng đó đây và ăn uống thỏa thích vô số món mới lạ, lớp học thì ít người, học vài môn một học kỳ, được chụp nhiều bức ảnh tươi trẻ và cuộc sống ở nước ngoài thật dễ chịu làm sao.
Ai cũng nghĩ du học là như vầy nè! (Source: Internet)
Mình không muốn làm các bạn bị thoái chí nhưng thật sự việc du học không phải lúc nào cũng là màu hồng, mà thật sự nó cũng có những khó khăn nhất định các bạn ạ. Chỉ đến khi bạn tỏ ra quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách thật sự thì mới thành công.

Mình chỉ liệt kê một vài khó khăn mà chắc chắn những ai đã từng và đang đi du học sẽ hiểu rõ nó như thế nào để các bạn chuẩn bị cho hành trình phía trước. Nhắc lại, đây chỉ là một vài khó khăn thôi, còn hàng trăm thử thách phía trước mà du học sinh phải trải qua tùy đất nước mà các bạn đến hoặc tùy vào sự thích ứng của bản thân.

Nhưng thực tế đã chứng minh thì du học là như thế này đây! (Source: Internet)
1.  Làm hồ sơ đăng ký nhập học tốn kém, mất thời gian và đôi khi rất căng thẳng. Nếu các bạn làm qua dịch vụ của công ty thì còn đỡ một chút, đổi lại bạn tốn tiền. Còn nếu tự làm hồ sơ, tự chứng thực giấy tờ, tự tìm trường, tự liên hệ, tự xin chổ học, tự xin học bổng, tự tìm chổ ở, tự xin visa và bao nhiêu cái “tự” khác nó sẽ làm cho các bạn tốn không biết bao nhiêu thời gian mà nói luôn. Tất nhiên, bạn sáng ra nhiều điều nếu tự làm.

2.  Khả năng ngoại ngữ mà không tốt, nhất là tiếng Anh thì sẽ vô cùng khó khăn để các bạn hòa nhập với môi trường học tập và sinh sống mới. Khỏi phải nói tiếng Anh nó quan trọng như thế nào vì ai cũng biết, nhưng phải nhắc lại để các bạn chưa đủ vốn ngôn ngữ thì phải cố gắng, nếu không sẽ bị sốc. Lời khuyên là nên học ngay từ bên nhà, ở trong nước để tiết kiệm chi phí và nói thật nó sẽ hiệu quả hơn là ra nước ngoài học.
     
      3. Luật pháp mỗi nước mỗi khác nhau, các bạn muốn đi học, làm việc gì ở nước nào thì phải đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu để không bị vi phạm pháp luật nước người ta, quê lắm. Để hiểu được nó thì cũng phải mất thời gian và nhiều khi phải qua tư vấn luật để chắc chắn bạn có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, đúng pháp luật. Các này mà không biết ngoại ngữ (đại loại như tiếng Anh) thì rất là mệt.
 
       4. Chịu được áp lực học hành. Số môn học thì ít, số sinh viên trên một lớp cũng ít, nhưng không vì thế mà áp lực học hành sẽ giảm, trái lại nó càng tăng. Vì sao? Vì lớp ít sinh viên thì trong lớp làm sao bạn né được cái vụ thảo luận, thuyết trình liên tục trên lớp học, tuần nào cũng có các bạn ạ, ít nhất là với chương trình mà mình đang theo học? Chẳng lẽ người ta bàn luận, đưa ra ý kiến, tranh luận sôi nỗi còn bạn thì im re? Mà để tranh luận được, đưa ra ý kiến cho hợp lý mà không đọc sách, đọc tài liệu thì làm sao? Vậy là phải dành rất rất nhiều thời gian để đọc sách, cái này giáo sư khỏi cần nhắc nhở, tự sinh viên thấy sẽ phải đọc nếu không bị cực kỳ quê ở trong lớp nếu mình chỉ im im, cười cười mà không chịu nói gì!

5    5. Sẳn cái vụ áp lực thì nói luôn việc làm bài luận, coursework (tạm gọi là bài tập nghiên cứu nhỏ, về một vấn đề cụ thể nào đó) liên tục, thường thì đòi hỏi trung bình là 5,000 từ (khoảng 12-13 trang A4). Để viết được bao nhiêu đó thì đọc không biết bao nhiêu sách và tài liệu để phân tích vấn đề theo đúng dạng học thuật. Bao nhiêu ý tưởng, kiến thức, thông tin mình đọc được phải được cô đọng, sắp xếp lại thành một hệ thống rồi viết bài. Vấn đề đặt ra là phải trích dẫn cho đúng, nếu không chắc chắn sẽ bị dính cái lỗi “Plagiarism” (đạo văn) ngay lập tức vì bài sẽ bị đưa vào hệ thống để quét đạo văn, copy của ai cái gì, ở đâu, hệ thống biết ngay! Để học cái việc trích dẫn cho đúng thôi thì cũng mất không biết bao nhiêu thời gian mà nói. Dù có phần mềm hổ trợ nhưng công việc nhập cơ sở dữ liệu làm trích dẫn cũng cực kỳ công phu các bạn ạ.
        
Mới được tuyển vô học thì như ngôi sao sáng, xong bài nộp cho thầy thì hình ảnh rất dễ thương!


6.   Học ở một đất nước mà đa số người dân không nói tiếng Anh nó còn khổ hơn gấp bội. Bạn phải làm quen với môi trường mới mà nhiều khi giao tiếp phải qua ngôn ngữ cử chỉ chứ không thể bằng lời. Lý do đơn giản là người ta không nói thứ tiếng bạn có thể nói và bạn thì không biết thứ tiếng người ta đang nói. Nhiều khi nó cũng vui nhưng thật sự rất là bất tiện.

7. Từ bỏ thức ăn quen thuộc, yêu thích nhất của mình. Tất nhiên ở đây cũng có quán ăn Việt Nam, nhưng hương vị chắc chắn không bao giờ giống ở quê nhà và đặc biệt là người ăn kỹ tính, ăn chay như mình thì càng không thể đến những quán đó. Họ đâu có bán chay!

      8. Sự cô đơn. Việc nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè là điều không thể tránh khỏi. Nhiều khi nhìn cái máy bay nó đang bay, ước gì mình đang trên đó để bay về chơi chút ít. Nếu bạn nào không vượt qua được điều này thì không thể đi xa để học được các bạn ạ.

      9. Thời tiết khắc nghiệt. Mỗi nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt khác nhau, nơi thì quá nóng, nơi thì quá lạnh, nơi thì thời tiết thay đổi liên miên, sáng nắng chiều mưa, động đất vân vân. Nếu không thích nghi được thì không thể tồn tại.
 
       10. Sức khỏe phải thật tốt mới có thể đảm bảo được công việc, học hành. Ra nước ngoài nếu mà bị bệnh thì rất là phiền phức các bạn ạ. Dù hệ thống y tế của người ta có tốt cỡ  nào mà mình bị bệnh cũng không thoải mái đâu. Bệnh thì làm sao mà học? Thứ nữa là đâu phải giống như ở trong nước của mình, cửa hàng thuốc tây khắp nơi, thích thì ra mua về uống. Muốn mua thuốc phải có toa của bác sĩ, mà đi bác sĩ thì phải làm đăng ký lằng nhằng mệt lắm các bạn ạ. Tốt nhất là phải chuẩn bị sức khỏe từ đầu mới được.

       Đấy, sơ sơ bao nhiêu đó thôi mà cũng đủ để mình đau đầu. Nếu vượt qua được hết những điều cơ bản trên thì bạn đã sẳn sàng cho việc du học rồi đấy.

No comments:

Post a Comment