Saturday, 7 September 2019

Du học Đài Loan 4: Tìm hiểu văn hóa địa phương

Chủ đề trong bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn một địa điểm tâm linh, thể hiện nét văn hóa bản địa của người dân Đài Loan vùng Đạm Giang (Danshui) mà mình đang ở. 


Việc đến một đất nước nào đó dù là đi du lịch, đi học, đi làm hay là gì đi nữa thì việc tìm hiểu những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử ở đất nước đó là điều rất cần thiết để chúng ta hòa nhập nhanh hơn và cảm thấy tự tin hơn, tránh những cú sốc về văn hóa, giúp cho việc giao tiếp của mình và người dân địa phương thuận lợi hơn. 


Một trong những địa điểm mà mình nghĩ rằng thể hiện rất rõ nét văn hóa, truyền thống của người dân địa phương mà chúng ta có thể đến đó là Đền, Chùa hoặc Miếu thờ ở địa phương bởi vì nét kiến trúc, cách thờ cúng, cách người dân địa phương thể hiện tín ngưỡng của mình sẽ giúp cho chúng ta hiểu được phần nào tích cách của họ.

Lần này, mình đến tham quan một ngôi chùa cổ cách với trạm tàu hỏa Đạm Giang (MRT Tamsui Station) khoảng 10 phút đi bộ. Chùa có tên gọi là Chùa Long Sơn (hay còn gọi là Long Sơn Tự hay 龍山). 

Một ngôi chùa cổ kính, nhỏ bé nằm ép mình giữa những khu phố sấm uất và ngôi chợ đông nghẹt người địa phương và du khách. Theo thông tin ghi ngoài cổng thì ngôi chùa này là một trong 5 ngôi Long Sơn Tự được xây cất từ đời nhà Thanh (1636 – 1912). Tuy nhiên, ngôi Long Sơn Tự lâu đời, nổi tiếng linh thiêng nhất ở xứ Đài nằm ở Đài Bắc, được xây dựng vào năm 1738, cũng do những di dân từ tỉnh Phúc Kiến bên Đại Lục dựng nên.


Riêng ngôi chùa này được xây cất vào những năm 1850 nhưng đã bị sụp đổ do động đất và ngôi chùa hiện tại mà mình đến tham quan được xây dựng lại vào năm 1858 để thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là Đấng rất được những người di dân từ tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc sung bái. 


Ngôi Long Sơn Tự này là ngôi thờ theo Phật giáo, với trần nhà thờ cao, các bức tượng điêu khắc bằng đá tinh tế, cột rồng nơi chánh điện, đã bảo tồn phần nào nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Hoa.


Nhìn những người dân đến bái lễ thật là trang nghiêm, thành kính. Bên trong ngôi chùa thật sự yên tĩnh, khác xa với sự xô bồ, huyên náo của phố thị bên ngoài. Và trong cái không khí thanh tịnh này, con người ta có thể cảm thấy được sự bình yên trong lòng, có thể trút bỏ những hỷ, nộ, ái, ố đời thường để tìm lại những nét nguyên sơ, lương thiện nhất của mình.

No comments:

Post a Comment