Saturday, 28 September 2019

Du học Đài Loan 7: Vài khó khăn gặp phải khi đi du học!

Mấy hôm nay mình im lặng trên blog, không viết gì mới thêm để các bạn đọc. Lý do thì có nhiều nhưng tựu trung lại thì chẳng qua là không có thời gian rảnh, hoặc không muốn bị phân tâm trong công việc.

Trong con mắt nhiều bạn, được sang nước khác để đi học, làm việc là điều tuyệt vời với biết bao nhiêu cảnh đẹp để mình tham quan, được tung tăng đó đây và ăn uống thỏa thích vô số món mới lạ, lớp học thì ít người, học vài môn một học kỳ, được chụp nhiều bức ảnh tươi trẻ và cuộc sống ở nước ngoài thật dễ chịu làm sao.
Ai cũng nghĩ du học là như vầy nè! (Source: Internet)
Mình không muốn làm các bạn bị thoái chí nhưng thật sự việc du học không phải lúc nào cũng là màu hồng, mà thật sự nó cũng có những khó khăn nhất định các bạn ạ. Chỉ đến khi bạn tỏ ra quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách thật sự thì mới thành công.

Mình chỉ liệt kê một vài khó khăn mà chắc chắn những ai đã từng và đang đi du học sẽ hiểu rõ nó như thế nào để các bạn chuẩn bị cho hành trình phía trước. Nhắc lại, đây chỉ là một vài khó khăn thôi, còn hàng trăm thử thách phía trước mà du học sinh phải trải qua tùy đất nước mà các bạn đến hoặc tùy vào sự thích ứng của bản thân.

Nhưng thực tế đã chứng minh thì du học là như thế này đây! (Source: Internet)
1.  Làm hồ sơ đăng ký nhập học tốn kém, mất thời gian và đôi khi rất căng thẳng. Nếu các bạn làm qua dịch vụ của công ty thì còn đỡ một chút, đổi lại bạn tốn tiền. Còn nếu tự làm hồ sơ, tự chứng thực giấy tờ, tự tìm trường, tự liên hệ, tự xin chổ học, tự xin học bổng, tự tìm chổ ở, tự xin visa và bao nhiêu cái “tự” khác nó sẽ làm cho các bạn tốn không biết bao nhiêu thời gian mà nói luôn. Tất nhiên, bạn sáng ra nhiều điều nếu tự làm.

2.  Khả năng ngoại ngữ mà không tốt, nhất là tiếng Anh thì sẽ vô cùng khó khăn để các bạn hòa nhập với môi trường học tập và sinh sống mới. Khỏi phải nói tiếng Anh nó quan trọng như thế nào vì ai cũng biết, nhưng phải nhắc lại để các bạn chưa đủ vốn ngôn ngữ thì phải cố gắng, nếu không sẽ bị sốc. Lời khuyên là nên học ngay từ bên nhà, ở trong nước để tiết kiệm chi phí và nói thật nó sẽ hiệu quả hơn là ra nước ngoài học.
     
      3. Luật pháp mỗi nước mỗi khác nhau, các bạn muốn đi học, làm việc gì ở nước nào thì phải đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu để không bị vi phạm pháp luật nước người ta, quê lắm. Để hiểu được nó thì cũng phải mất thời gian và nhiều khi phải qua tư vấn luật để chắc chắn bạn có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, đúng pháp luật. Các này mà không biết ngoại ngữ (đại loại như tiếng Anh) thì rất là mệt.
 
       4. Chịu được áp lực học hành. Số môn học thì ít, số sinh viên trên một lớp cũng ít, nhưng không vì thế mà áp lực học hành sẽ giảm, trái lại nó càng tăng. Vì sao? Vì lớp ít sinh viên thì trong lớp làm sao bạn né được cái vụ thảo luận, thuyết trình liên tục trên lớp học, tuần nào cũng có các bạn ạ, ít nhất là với chương trình mà mình đang theo học? Chẳng lẽ người ta bàn luận, đưa ra ý kiến, tranh luận sôi nỗi còn bạn thì im re? Mà để tranh luận được, đưa ra ý kiến cho hợp lý mà không đọc sách, đọc tài liệu thì làm sao? Vậy là phải dành rất rất nhiều thời gian để đọc sách, cái này giáo sư khỏi cần nhắc nhở, tự sinh viên thấy sẽ phải đọc nếu không bị cực kỳ quê ở trong lớp nếu mình chỉ im im, cười cười mà không chịu nói gì!

5    5. Sẳn cái vụ áp lực thì nói luôn việc làm bài luận, coursework (tạm gọi là bài tập nghiên cứu nhỏ, về một vấn đề cụ thể nào đó) liên tục, thường thì đòi hỏi trung bình là 5,000 từ (khoảng 12-13 trang A4). Để viết được bao nhiêu đó thì đọc không biết bao nhiêu sách và tài liệu để phân tích vấn đề theo đúng dạng học thuật. Bao nhiêu ý tưởng, kiến thức, thông tin mình đọc được phải được cô đọng, sắp xếp lại thành một hệ thống rồi viết bài. Vấn đề đặt ra là phải trích dẫn cho đúng, nếu không chắc chắn sẽ bị dính cái lỗi “Plagiarism” (đạo văn) ngay lập tức vì bài sẽ bị đưa vào hệ thống để quét đạo văn, copy của ai cái gì, ở đâu, hệ thống biết ngay! Để học cái việc trích dẫn cho đúng thôi thì cũng mất không biết bao nhiêu thời gian mà nói. Dù có phần mềm hổ trợ nhưng công việc nhập cơ sở dữ liệu làm trích dẫn cũng cực kỳ công phu các bạn ạ.
        
Mới được tuyển vô học thì như ngôi sao sáng, xong bài nộp cho thầy thì hình ảnh rất dễ thương!


6.   Học ở một đất nước mà đa số người dân không nói tiếng Anh nó còn khổ hơn gấp bội. Bạn phải làm quen với môi trường mới mà nhiều khi giao tiếp phải qua ngôn ngữ cử chỉ chứ không thể bằng lời. Lý do đơn giản là người ta không nói thứ tiếng bạn có thể nói và bạn thì không biết thứ tiếng người ta đang nói. Nhiều khi nó cũng vui nhưng thật sự rất là bất tiện.

7. Từ bỏ thức ăn quen thuộc, yêu thích nhất của mình. Tất nhiên ở đây cũng có quán ăn Việt Nam, nhưng hương vị chắc chắn không bao giờ giống ở quê nhà và đặc biệt là người ăn kỹ tính, ăn chay như mình thì càng không thể đến những quán đó. Họ đâu có bán chay!

      8. Sự cô đơn. Việc nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè là điều không thể tránh khỏi. Nhiều khi nhìn cái máy bay nó đang bay, ước gì mình đang trên đó để bay về chơi chút ít. Nếu bạn nào không vượt qua được điều này thì không thể đi xa để học được các bạn ạ.

      9. Thời tiết khắc nghiệt. Mỗi nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt khác nhau, nơi thì quá nóng, nơi thì quá lạnh, nơi thì thời tiết thay đổi liên miên, sáng nắng chiều mưa, động đất vân vân. Nếu không thích nghi được thì không thể tồn tại.
 
       10. Sức khỏe phải thật tốt mới có thể đảm bảo được công việc, học hành. Ra nước ngoài nếu mà bị bệnh thì rất là phiền phức các bạn ạ. Dù hệ thống y tế của người ta có tốt cỡ  nào mà mình bị bệnh cũng không thoải mái đâu. Bệnh thì làm sao mà học? Thứ nữa là đâu phải giống như ở trong nước của mình, cửa hàng thuốc tây khắp nơi, thích thì ra mua về uống. Muốn mua thuốc phải có toa của bác sĩ, mà đi bác sĩ thì phải làm đăng ký lằng nhằng mệt lắm các bạn ạ. Tốt nhất là phải chuẩn bị sức khỏe từ đầu mới được.

       Đấy, sơ sơ bao nhiêu đó thôi mà cũng đủ để mình đau đầu. Nếu vượt qua được hết những điều cơ bản trên thì bạn đã sẳn sàng cho việc du học rồi đấy.

Wednesday, 18 September 2019

Có nên cố luyện và thi IELTS bằng mọi cách?

Trong vài năm trở lại đây có thể nói chứng chỉ IELTS đã trở nên vô cùng phổ biến với tất cả người học ngoại ngữ ở Việt Nam. Gần như bất cứ bảng hiệu của trung tâm ngoại ngữ nào cũng có chữ IELTS, dù nhiều khi chỉ để vậy chứ không có học viên luyện thi chứng chỉ này, trên mạng thì tràn ngập thông tin về kỳ thi IELTS, nhiều lò luyện thi chuyên nghiệp, nhiều người giải đề chuyên nghiệp, tung ra vô vàn các bài làm mẫu IELTS. Thậm chí nhiều trung tâm còn cho rằng họ đang thực hiện một sứ mạng vô cùng lớn lao như kiểu "khai sáng dân trí" hay "giải phóng dân tộc" chỉ bằng việc luyện thi IELTS.
Source: Internet
Phong trào học và luyện thi IELTS trở nên vô cùng nóng bỏng và là một thị trường béo bở cho các trung tâm luyện thi. Gần như phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có chứng chỉ này để lận lưng, xem nó như là một lá bùa, là một thước đo, là một sự đảm bảo cho trình độ tiếng Anh của con mình có tốt hay không.

Chính cái phong trào này và nhiều khi sự ngộ nhận về chứng chỉ IELTS đã trở thành món trục lợi cho những người dạy thiếu lương tâm và những trung tâm luyện thi kiểu gà nòi.

Vậy những ai cần thi chứng chỉ này?

Vấn đề con em chúng ta có nên thi chứng chỉ này hay không tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng của bản thân. Nếu chúng ta cần chứng chỉ này để xét tốt nghiệp, để xét tuyển sinh vào các trường Đại Học trong và ngoài nước hoặc để xin đi làm việc mà công ty yêu cầu thì hãy thi.  

Nếu không vì các mục đích trên thì không nên thi vì trước hết là tốn rất nhiều tiền và suy cho cùng chứng chỉ IELTS thật ra chỉ là một cái chứng chỉ đơn thuần. Nó chỉ là một tờ giấy A4 với vài thông tin cá nhân và điểm số các kỹ năng, chứ nó không nói lên hết khả năng thực tế khi giao tiếp và chắc chắn nó không thể nào thể hiện được việc một người có thật sự yêu thích tiếng Anh hay không. 

Ngoài ra, sau khi thi một thời gian, nếu chúng ta không ôn luyện, không có môi trường để sử dụng tiếng Anh thì chắc chắn số điểm đó không thể hiện được kỹ năng sử dụng thực tế của chúng ta nữa. Và như vậy, chúng ta phải thi lại để xác định lại trình độ và lại phải tốn tiền.

Vậy có nên đến các trung tâm luyện thi không?

CÓ: Nếu chúng ta cảm thấy rằng, học ở đó mình sẽ phát triển kỹ năng, nâng cao sự đam mê ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong giao tiếp, làm công cụ học tập, công việc cho mình. Ngoài ra, họ dạy để giúp các bạn nâng cao vốn ngôn ngữ bằng niềm đam mê chứng không phải với một mục đích duy nhất là luyện thi IELTS.

KHÔNG: Nếu như trung tâm đó không giúp bạn giao tiếp thật sự, không tạo cho bạn một động lực, một niềm đam mê học ngoại ngữ, mà ngược lại họ chỉ chăm chăm kêu bạn làm theo bài mẫu, viết theo bài mẫu, học thuộc lòng đáp án cho các đề nghe, đọc… để hy vọng đi thi trúng tủ. Trong trường hợp đó, tốt hơn hết là bạn nên mua sách về tự học sẽ hiệu quả hơn. 

Ở trên mạng internet và thực tế có nhiều trung tâm yêu cầu học viên viết theo bài mẫu, có trung tâm đưa ra các dự đoán đề thi, kêu học viên học bài tủ để đi thi. Như vậy xét về bản chất và mục đích của việc học ngoại ngữ là để làm gì? Để thi đạt điểm cao hay là để có được kỹ năng sử dụng ngoại ngữ tốt và hiệu quả trong học tập và công việc? Điều này lý giải vì sao mà có nhiều bạn đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS, thậm chí có bạn đạt Band 7.5 mà khi ra nước ngoài du học thì than thở là thầy cô giảng bài chẳng hiểu gì!

Nếu học bài tủ, viết theo mẫu, học thuộc lòng các đáp án theo đề thi dự đoán và hy vọng trúng tủ thì quả thật cả người dạy và người học đang giết chết đi cái đẹp, cái hay và cái mục đích cao cả của việc học ngoại ngữ. Hãy nhớ rằng, chúng ta học ngoại ngữ vì mình đam mê, học để có thể sử dụng tốt ngoại ngữ trong thực tế cuộc sống của mình chứ không phải là để luyện bài tủ rồi đi thi!

Thế cho nên hãy học tiếng Anh bằng đam mê thật sự và cố luyện kỹ năng thật tốt vì mục đích giao tiếp trước cái đã, khi nào cần sử dụng thì mới đi thi!

Không biết các bạn của tôi có cùng suy nghĩ chăng?

Saturday, 14 September 2019

Du học Đài Loan 6: Lớp học tiếng Trung

Hôm trước có kể cho các bạn nghe về việc đi thi xếp lớp tiếng Trung của mình ở đây. Kết quả thi môn nói thì được xếp vô lớp Trung cấp 1 (Lower Intermediate), còn môn Đọc – Viết thì xếp vô lớp Trung cấp 2 (Upper-Intermediate).

Kết quả thiệt là phản ánh đúng với suy nghĩ của mình, đó là mình đọc tốt hơn nghe nói tiếng Trung, lý do là mình đã cố học nhiều từ vựng, ngữ pháp khi còn ở bên nhà và nhìn chữ thì đọc được, nhưng mà kỹ năng viết là còn yếu lắm. Mấy chữ hơi phức tạp chút là không biết viết đâu.
Source: Internet
Theo kết quả xếp lớp thì mình cũng đi học thử. Tất nhiên, vẫn có thể thay đổi lớp lên, xuống cho phù hợp với trình độ thực tế.

Ngày đầu vô lớp môn Nghe-Nói, phải công nhận là lớp học khá nhộn nhịp vì đa số là sinh viên đại học, khoảng 18,19  tuổi người Indonesia. Cộng đồng sinh viên Indonesia ở trường này khá đông nên việc số sinh viên Indo chiếm đa số là điều dễ hiểu.

Mình là người lớn tuổi nhất trong lớp và phải nói là mình khá thất vọng vì các em sinh viên người Indo trong lớp cực kỳ ồn ào, giỡn hớt và không hề quan tâm học hành nghiêm túc và tỏ ra không tôn trọng giáo viên một chút nào. Chỉ một nhóm khoảng 4,5 em nam, người to cao, nhìn có vẻ người Indo gốc Hoa mà gây náo loạn như cái chợ mặc dù cô giáo đã nhắc nhở rất nhiều lần.

Có một bạn sinh viên người Đức bước vào xin học thử. Cô giáo cho vào và mấy đứa người Indo ồ lên, cười nói rồi quay qua hỏi chuyện bạn người Đức om sòm. Mình lắc đầu ngao ngán. Nói thật, mình là giáo viên cũng rất quý học sinh, nhưng trong lớp mình mà có mấy em như vậy là mình cũng xách cổ tống ra ngoài rồi. Nhưng có lẽ vì uy tín của trường nên cô giáo cũng mềm mõng và không làm căng.

Sau giờ ra chơi, sỉ số sinh viên trong lớp thay đổi liên tục, kẻ vào, người ra để qua lớp khác cho phù hợp trình độ. Cô giáo phải liên tục kiểm đếm số lượng học viên.

Nói đến cô giáo thì việc đầu tiên phải công nhận là cô giáo hiền, khoảng 50 tuổi, cũng nhiệt tình và thân thiện. Tuy nhiên, có vẻ như phương pháp dạy không ổn cho lắm dưới con mắt nhà nghề của mình. Đành rằng là buổi đầu nhưng quả thật học môn nghe nói gì mà cô không cho học viên thực hành với nhau. Chỉ duy nhất một việc là cô hỏi và chỉ định học viên trả lời. Do vậy mà suốt cả 2 tiếng đồng hồ ngồi học, mình chỉ trả lời được có 5,6 câu.

Ngoài ra, cô giáo dạy nghe nói và cả cô giáo dạy môn đọc-viết cũng có vẻ chưa đặt mình vào vị trí của người học viên nước ngoài, mới học ngôn ngữ chưa bao lâu. Vô lớp, họ chỉ nói hoàn toàn bằng tiếng Trung, cái này thì không có vấn đề gì. Vấn đề ở chổ là họ nói cực kỳ nhanh, phải nói là họ nói nhanh còn hơn mấy cô bác mình gặp ngoài chợ hoặc trong siêu thị luôn. Giọng nói nhỏ mà lại nhanh nên buổi đầu mình hơi sốc.

Muốn hỏi điều gì thì mình không được nói tiếng Anh, chỉ được phép nói tiếng Trung mà thôi. Thiệt là nan giải! 

Buổi học môn Đọc – Viết cũng làm mình thấy sốc khi mà cô giáo trẻ, nhưng quả thật “khó như bà chằng”, mặt mày không thấy một nụ cười và chỉ tay gọi học viên bằng một ngón trỏ! Nói tiếng Trung không chịu nói chậm để học viên theo kịp mà thậm chí nói nhanh hơn cả cô giáo dạy môn Nghe-Nói luôn. Ngày đầu tiên vô, cô đọc một lượt các quy định lớp học, cách chấm điểm, cách thi kiểm tra và yêu cầu ngày nào cũng phải làm kiểm tra!

Tập viết mấy chữ đơn giản mà cứ quên tới, quên lui hoài!
Ngay ngày đầu, cô nêu quá nhiều yêu cầu và sau đó tuyên bố, bạn nào cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu lớp học có thể ngay lập tức rời lớp. Thế là 2/3 học viên đứng dậy đi qua lớp khác tìm cơ hội.

Mình có nói với cô giáo là mình có vẻ không hợp với lớp này nên định xin cô cho qua lớp khác. Cô giáo hỏi mình hôm trước có thi xếp lớp rồi phải không? Được xếp vô lớp này phải không? Nếu vậy thì ở đây học, không được chuyển lớp! Mà nếu mình tiếp tục học lớp này thì mình phải mua sách cho 2 trình độ khác nhau!

Sau đó cô cho 6 câu hỏi bằng tiếng Trung về tên tuổi, nghề nghiệp, học chương trình gì, tại sao muốn qua Đài Loan học, yêu thích gì, muốn làm gì trong tương lai … và yêu cầu trả lời bằng cách viết tiếng Trung.

Mình cố gắng viết, chữ nào không nhớ thì viết phiên âm Bính âm để cô giáo sửa chữa.
Mình làm đầu tiên, cô giáo sửa xong và phán một câu xanh rờn: Anh học lớp này được, không phải chuyển đi đâu hết!

Buổi học thứ 2 môn nghe nói có vẻ ổn hơn, lớp bớt ồn và cô giáo hỏi mình nhiều câu hơn để thực hành. Tuy nhiên, phương pháp cũng không có gì thay đổi.

Sau khi học xong ra về, mình gặp cô giáo dạy môn Đọc-Viết, mình chào cô một câu và chúc cô trung thu vui vẻ. Cô cười tươi và chúc lại. Phải chi vô lớp cô cũng cười như vậy thì nhẹ thể biết bao!

Kể lòng vòng để các bạn hiểu rằng, học giỏi một cái gì đó thật không dễ dàng gì. Bởi vậy mình rất nể và kính trọng những người học giỏi.

Mình thấy phương pháp cô giáo dạy chưa có hay, chưa hiệu quả vì mình cũng là giáo viên, chứ thật ra với các em học viên trẻ nó đâu có quan tâm. Đối với các em đó, miễn vui là được.

Mình cũng chẳng có giận hờn hay phiền lòng về giáo viên gì hết mà trái lại mình biết ơn họ đã vất vả dạy cho mình. Hơn nữa, mình hiểu đi học điều quan trọng là mình tự học, đến lớp chỉ để có môi trường thực tập và được những người giỏi hơn chỉnh sửa cho mình thôi.

Friday, 13 September 2019

Du Học Đài Loan 5: Triết lý cưới 4 vợ cùng lúc của người theo Đạo Hồi!

Nghe tới cưới nhiều vợ cùng lúc, chắc là mấy ông bạn của mình rất là ham! Bản tính đàn ông mà, muốn chinh phục, càng nhiều càng tốt phải không? Đàn ông Hồi Giáo có quyền cưới 4 bà vợ cùng lúc luôn đó, có anh nào muốn được như thế không?

Mình hiện có anh bạn người Philippines, theo Đạo Hồi đang học chung lớp với mình bên này. Lúc mình chuẩn bị đi học, nghĩ đã 40 tuổi, chắc sẽ là sinh viên già nhất lớp, nhưng thật bất ngờ, mình cũng có anh bạn học già bằng tuổi mình.

Chiều trên dòng Đạm Giang
Các bạn có biết không, đi học ở một nơi mà người ta ít nói tiếng Anh, mà lại là sinh viên lớn tuổi thì cũng khó mà kết bạn với sinh viên bản địa và do khoảng cách tuổi tác quá xa nên những người nói tiếng Anh sẽ tự động lập thành một nhóm và trở nên thân thiết.
Cùng da màu như nhau!
Nói như vậy không có nghĩa là người Đài Loan không thân thiện. Trái lại, họ vô cùng thân thiện và nhiệt tình. Chỉ có điều rào cản ngôn ngữ làm cho sinh viên nước ngoài và sinh viên bản địa tự chia ra làm hai nhóm rõ rệt. 

Lớp mình có nhiều bạn đến từ Đức, Pháp, Nhật, Hàn, Paraguay, Philippines và mình là Việt Nam, nói tiếng Anh nên tự động cảm thấy gần gũi và thân thiết.
Nơi ghe thuyền về ở Đạm Giang
Quay lại chủ đề cưới 4 bà vợ của anh bạn người Philippines.

Hôm qua là Tết Trung Thu, bên này trường học cho nghỉ nên nhóm mình gồm 3 người chiều tối rủ nhau đi xuống ga tàu Đạm Giang và khu phố cổ chơi Trung Thu. 
Ngắm hoàng hôn trên Đạm Giang
Mình là người tò mò nên hỏi anh ta khá nhiều về Hồi Giáo và anh ta nói lên quan điểm cưới 4 vợ của anh ta và cộng đồng Hồi Giáo của anh ta. Nói thì lòng vòng nhưng anh ta tóm lại ngắn gọn vầy cho dễ hiễu.

Nếu lấy 1 vợ thì cũng giống như chạy xe đạp một bánh, rất là chông chênh, rất là mệt nên cảm thấy đời sao mà vất vả thế.

Còn lấy 2 vợ cùng lúc thì được chạy xe 2 bánh. Anh ta ví mấy bà vợ là cái bánh xe đó mà. Chạy xe 2 bánh nó cân bằng hơn một bánh, chạy nhanh hơn, êm hơn, đỡ vất vả hơn nhưng vẫn còn chông chênh, dễ bị ngã. Đời như thế cũng chưa yên, phải làm cái gì đó cho tốt hơn. Nghĩ vậy nên cần kiếm thêm cái bánh xe nữa.
Bầu trời sau khi mặt trời lặn thật là đẹp
Vậy là nên cưới 3 vợ cùng lúc. Xe 3 bánh thì cân bằng hơn, vững chắc hơn. Nhưng xe ba bánh nó không có ngon, chưa có quách, giống như xe lam 3 bánh hồi xưa, chạy ngon hơn xe 2 bánh nhiều, chở nhiều đồ hơn nhưng làm sao so sánh với xe hơi 4 bánh được?

Nên cuối cùng là phải lấy 4 vợ, cũng giống như cưỡi chiếc xe Lexus 4 bánh, ăn đứt mấy đứa chạy xe 1,2,3 bánh kia, đời thật là lên hương luôn. Anh ta bồi thêm, 4 cái bánh xe đều quan trọng như nhau, chăm sóc 1 bánh này, bỏ bê 3 bánh kia thì không chạy được. Mà ngược lại, chăm sóc 3 bánh này, bỏ bê 1 bánh kia cũng không xong, nên phải cưng 4 bánh đều như nhau!

Nghe tới đây mình mới hỏi, vậy khi bạn muốn gắn thêm bánh 2, bánh 3, bánh 4 thì bánh 1 có chịu không? Làm sao để 4 cái bánh ăn rơ với nhau, không quậy tập thể?

Anh ta bèn lý luận, chắc chắn là không có chịu rồi, khi gắn bánh số 2, bánh số 1 sẽ rất là tức tối, giận giữ, vậy nên cần gắn cái bánh thứ 3, thứ 4 ngay lập tức để mấy cái bánh nó thấy rằng nó cùng cảnh ngộ, nên sẽ sáp lại hòa thuận ngay!

Nghe cái lý luận 1,2,3,4 bánh xe của anh ta để nói về việc cưới 4 vợ một lúc cũng tức cười và làm mình vỡ lẽ ra một bài học. Đó là đàn ông có cả ngàn cái lý sự cùn cho những điều mình mong muốn và hiểu ra lý do vì sao mấy ông bạn của mình ở bên nhà cứ nằng nặc đòi vợ mua cho được chiếc xe 4 bánh để chạy. 
Mình nè, quậy chưa?
Nói nghe nè, không phải là mấy ảnh muốn làm cho mấy bà vợ đẹp mặt gì đâu nha, chẳng qua mấy anh muốn lấy một lúc 4 vợ mà không được, không biết làm sao thổ lộ, nên mua xe 4 bánh để mà tưởng tượng là đang có 4 bà vợ đó mà!

Dặn mấy bà vợ nè, nếu ông chồng mà đòi mua xe 4 bánh là dứt khoát không cho nghe chưa. Ổng đang lừa các bà đấy! Đang tơ tưởng 4 bà vợ đó nha!

Saturday, 7 September 2019

Du học Đài Loan 4: Tìm hiểu văn hóa địa phương

Chủ đề trong bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn một địa điểm tâm linh, thể hiện nét văn hóa bản địa của người dân Đài Loan vùng Đạm Giang (Danshui) mà mình đang ở. 


Việc đến một đất nước nào đó dù là đi du lịch, đi học, đi làm hay là gì đi nữa thì việc tìm hiểu những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử ở đất nước đó là điều rất cần thiết để chúng ta hòa nhập nhanh hơn và cảm thấy tự tin hơn, tránh những cú sốc về văn hóa, giúp cho việc giao tiếp của mình và người dân địa phương thuận lợi hơn. 


Một trong những địa điểm mà mình nghĩ rằng thể hiện rất rõ nét văn hóa, truyền thống của người dân địa phương mà chúng ta có thể đến đó là Đền, Chùa hoặc Miếu thờ ở địa phương bởi vì nét kiến trúc, cách thờ cúng, cách người dân địa phương thể hiện tín ngưỡng của mình sẽ giúp cho chúng ta hiểu được phần nào tích cách của họ.

Lần này, mình đến tham quan một ngôi chùa cổ cách với trạm tàu hỏa Đạm Giang (MRT Tamsui Station) khoảng 10 phút đi bộ. Chùa có tên gọi là Chùa Long Sơn (hay còn gọi là Long Sơn Tự hay 龍山). 

Một ngôi chùa cổ kính, nhỏ bé nằm ép mình giữa những khu phố sấm uất và ngôi chợ đông nghẹt người địa phương và du khách. Theo thông tin ghi ngoài cổng thì ngôi chùa này là một trong 5 ngôi Long Sơn Tự được xây cất từ đời nhà Thanh (1636 – 1912). Tuy nhiên, ngôi Long Sơn Tự lâu đời, nổi tiếng linh thiêng nhất ở xứ Đài nằm ở Đài Bắc, được xây dựng vào năm 1738, cũng do những di dân từ tỉnh Phúc Kiến bên Đại Lục dựng nên.


Riêng ngôi chùa này được xây cất vào những năm 1850 nhưng đã bị sụp đổ do động đất và ngôi chùa hiện tại mà mình đến tham quan được xây dựng lại vào năm 1858 để thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là Đấng rất được những người di dân từ tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc sung bái. 


Ngôi Long Sơn Tự này là ngôi thờ theo Phật giáo, với trần nhà thờ cao, các bức tượng điêu khắc bằng đá tinh tế, cột rồng nơi chánh điện, đã bảo tồn phần nào nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Hoa.


Nhìn những người dân đến bái lễ thật là trang nghiêm, thành kính. Bên trong ngôi chùa thật sự yên tĩnh, khác xa với sự xô bồ, huyên náo của phố thị bên ngoài. Và trong cái không khí thanh tịnh này, con người ta có thể cảm thấy được sự bình yên trong lòng, có thể trút bỏ những hỷ, nộ, ái, ố đời thường để tìm lại những nét nguyên sơ, lương thiện nhất của mình.