Friday, 3 August 2018

Tâm Lý Sính Ngoại và Lợi Thế Của Giáo Viên Người Việt Trong Các Lớp Dạy Tiếng Anh

Thị trường lao động trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh những năm gần đây trở nên vô cùng sôi động, mang tính cạnh tranh cực kỳ cao khi ngày càng nhiều các bạn trẻ rất có năng lực chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ rất tốt và một số lượng lớn người nước ngoài tham gia vào công việc giảng dạy tiếng Anh ở hầu như mọi nơi trên đất nước Việt Nam.
Nguồn: Internet
Phải công nhận một điều rằng việc giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh trong các trường học, trung tâm ngoại ngữ và cả dạy tư nhân đã đem lại một luồng sinh khí mới cho phong trào dạy và học ngoại ngữ thêm sinh động. Những đồng nghiệp người Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc chung với giáo viên nước ngoài, trao dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ.

Ngoài ra, giáo viên người nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh cũng giúp học sinh giao tiếp tự tin hơn, tự nhiên hơn nhất là những học sinh ở lứa tuổi trẻ con, những lớp vỡ lòng.  Thế nhưng, trong những lớp ở trình độ cao hơn hoặc người lớn thì kết quả rõ ràng rằng giáo viên người nước ngoài không đóng góp gì nhiều, chắc chắn một điều rằng thua xa sự đóng góp của giáo viên người Việt.

Tuy nhiên, sự sính ngoại có vẻ như đang che mờ hết những yếu tố quyết định lên kết quả học tập của học sinh và làm lu mờ đi giá trị của giáo viên người Việt dạy tiếng Anh. Các trung tâm thì dùng nhiều chiêu trò quảng cáo với những hình ảnh cực kỳ xinh đẹp của giáo viên nước ngoài, hoặc nói rằng các lớp được 100% người bản xứ giảng dạy để thu hút phụ huynh và học sinh, chứ họ đâu bao giờ cho biết người nước ngoài dạy tiếng Anh đó có bằng cấp chuyên môn gì, có kinh nghiệm giảng dạy thật sự, có phương pháp sư phạm thật sự hay đa phần chỉ là những ông tây đi du lịch, muốn tranh thủ dạy tiếng Anh để kiếm tiền và tiếp tục chu du thế giới.

Nhiều phụ huynh bị ảo tưởng rằng con em của mình sẽ nói tiếng Anh tốt khi học với những người bản xứ dạy tiếng Anh, chứ ít khi nào biết được chất lượng thật sự của mấy người nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh đó. Họ đâu biết rằng, chất lượng học tập của học sinh thật sự là do giáo viên người Việt quyết định.

Đỉnh điểm của sự sính ngoại này là sự chênh lệch một cách vô lý về mức thu nhập giữa một người nước ngoài dạy tiếng Anh và một giáo viên người Việt dạy tiếng Anh. Có rất nhiều bạn trẻ, năng lực ngoại ngữ cực kỳ tốt, phương pháp sư phạm tuyệt vời lại có thu nhập kém xa một người nước ngoài với chứng chỉ giảng dạy được học trong 4 ngày hoặc thậm chí chẳng có ngày nào! 

Phụ huynh cứ chở con đến trung tâm chứ đâu biết được thật sự bên trong những lớp học có người nước ngoài đứng lớp đó, họ dạy những gì hay cũng chỉ là những đoạn hội thoại đơn giản, thiếu chiều sâu về tư duy ngôn ngữ cho người học và sau đó là chơi trò chơi. Trong khi giáo viên người Việt lại là người phải suy tư, trăn trở và nổ lực hết mình để đầu tư cho giờ dạy và thậm chí còn dạy bù cho những bài học mà giáo viên người nước ngoài bỏ qua để chơi trò chơi!

Sự sính ngoại còn gây ra tình trạng mất tự tin của các bạn giáo viên người Việt dạy tiếng Anh và làm cho họ thụ động, dần dà chấp nhận nghịch lý này, xem nó như một mặc định rằng giáo viên người nước ngoài được phép có thu nhập tốt hơn dù dạy nhẹ nhàng hơn, nhiều khi chẳng thèm soạn bài trước hoặc tự chịu kém cõi, đóng vai trò thứ yếu trong việc giảng dạy ngoại ngữ.

Các bạn ạ! Cả Việt Nam chúng ta có mấy trăm nghìn giáo viên người Việt dạy tiếng Anh, trong khi giáo viên nước ngoài cũng chỉ khoảng vài ngàn người thì rõ ràng chất lượng giảng dạy chủ yếu là do chúng ta, những giáo viên người Việt chịu trách nhiệm chính đấy. Người nước ngoài dạy tiếng Anh chỉ đóng vai trò phụ trợ, góp phần phát triển thêm chứ không bao giờ có thể là nhân vật chính trong lĩnh vực này được, nhất là việc dạy tiếng Anh cho những lớp có học viên người lớn, trình độ cao được.

Các bạn có những lợi thế mà giáo viên người nước ngoài không bao giờ có được. Đó là gì các bạn có biết không?

- Đó là việc chính bản thân các bạn cũng là người học ngôn ngữ (Language Leaner). Các bạn cũng đang làm y chang công việc của học sinh. Các bạn hiểu được cảm giác của học sinh của mình, biết được những vấn đề nào trong việc học ngôn ngữ mà các em gặp phải và biết cách để tạo động lực cho các em.

- Đó là các bạn hiểu rõ ngôn ngữ mình giảng dạy (Have a good grasp of the language). Các bạn đã học ngoại ngữ y chang cái cách học sinh học ngoại ngữ bây giờ. Các bạn sẽ làm tốt hơn giáo viên người nước ngoài trong việc giảng dạy các chủ điểm ngữ pháp và các quy cách phát âm, phiên âm quốc tế trong tiếng Anh. Chính bản thân tôi đã phải từng giảng dạy ngược lại cho một cặp giáo viên người Mĩ và nhiều người nước ngoài khác về quy tắt phát âm và phiên âm quốc tế đấy. Tin hay không thì tùy các bạn!

- Đó là việc các bạn nói cùng lúc hai ngôn ngữ (Bilingual speakers) hoặc thậm chí nhiều hơn. Khi các bạn nói hai ngôn ngữ cùng lúc, đó là một lợi thế rất lớn. Bạn hiểu được cách học ngoại ngữ như thế nào và bạn có thể hổ trợ, hướng dẫn học sinh của mình tốt hơn những người chỉ biết nói một ngôn ngữ.

- Đó là việc các bạn nói cùng ngôn ngữ với học sinh của mình (speak the students’ language) . Khi đó, các bạn có thể dùng lợi thế tiếng mẹ đẻ của mình và kỹ năng dịch thuật phù hợp để nâng cao chất lượng bài dạy mà mấy anh Tây ba lô không bao giờ có thể làm được. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải học hỏi nhiều thứ từ những đồng nghiệp người nước ngoài này.

Những tranh cãi về giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh và giáo viên người Việt dạy tiếng Anh sẽ còn kéo dài, nhưng chắc chắn một điều rằng các bạn có những lợi thế mà giáo viên người nước ngoài không bao giờ có được.

Như vậy, tại sao các bạn phải thiếu tự tin, tại sao phải chấp nhận sự bất công, tại sao phải mặc định giáo viên người nước ngoài là được phép có nhiều ưu đãi bất hợp lý. Các bạn hãy phát huy thế mạnh của mình và phải là nhân vật chính trên thị trường lao động này ngay trên đất nước của mình nhé! 

Nguồn tham khảo thêm bằng tiếng Anh: https://www.theteflacademy.com/blog/2017/12/the-advantages-of-being-a-non-native-english-teacher/

No comments:

Post a Comment