Tuesday, 31 July 2018

Vài mẹo vặt để đạt điểm cao trong phần thi nghe IELTS!

Như các bạn cũng biết, Phần thi Nghe là phần thi kỹ năng đầu tiên trong kỳ thi đánh giá năng lực, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của kỳ thi IELTS. Phần thi này trung bình sẽ kéo dài khoảng 40 phút, trong đó 30 phút là làm bài nghe và 10 phút còn lại để chuyển đáp án sang Phiếu trả lời (answer sheet).
 
Nguồn: Internet
Phần thi này bao gồm bốn (4) phần nhỏ, mỗi phần trả lời 10 câu hỏi. Tổng cộng sẽ có 40 câu hỏi bắt buộc các bạn phải nghe và trả lời. Các phần nghe có nhiều dạng câu hỏi khác nhau như điền vào bảng biểu, điền từ vào câu, kết hợp (matching), trả lời câu hỏi, xác định vị trí trên bản đồ (thường sẽ nằm ở Part 2 của bài thi nghe).
  
Theo lý thuyết thì độ khó bài thi nghe sẽ tăng dần từ phần 1 đến phần 4. Càng vào các phần sau của bài thi nghe, các thí sinh thường có cảm giác hụt hơi, nghe không kịp và khi đến phần 4 thì gần như không thể theo kịp nội dung của bài nghe nữa. Chính vì vậy mà đa số thí sinh thi IELTS thường cho rằng Phần 4 sẽ khó nhất trong bài thi này. Nhưng thật ra theo tôi, Phần 4 của bài thi nghe IELTS nó đôi khi còn dễ nghe và ít nhầm lẫn hơn phần xác định vị trí trong bản đồ của phần 2 nữa. Lý do thì nhiều nhưng cơ bản là bạn không dễ bị lừa và đi lạc như trên bản đồ!
  
Tóm lượt sơ sơ bài nghe IELTS như vậy để các bạn dễ hình dung. Bây giờ là đến lượt một số mẹo hay thường gọi là Tips để giúp các bạn tự tin làm bài nghe nè

      - Thi nghe thì phải bình tĩnh, đừng để sự lo lắng của bạn làm bạn mất tập trung. Các bạn phải nhớ rằng, các bạn đi thi cho chính bản thân bạn chứ không thi đua với ai hết. Vì vậy hãy bình tĩnh thể hiện năng lực.
   
       - Điều chỉnh tai nghe với âm lượng vừa phải và thoải mái. Nếu âm lượng nhỏ quá sẽ không nghe rõ những âm cuối (s/es), dẫn đến có thể mất điểm oan ở việc viết không đúng từ, còn nếu âm lượng to quá cũng làm bạn mất tập trung. Khi giám thị hướng dẫn sử dụng tai nghe, cách điều chỉnh âm lượng thì nên điều chỉnh cho phù hợp nhé.

      - Khi đề thi được phát ra và được giám thị yêu cầu đồng loạt mở bài thi lên để nghe thì nên tận dụng thời gian giới thiệu về nội dung thi nghe và ví dụ để đọc thật nhanh các Instructions (hướng dẫn, yêu cầu của từng phần) để hiểu rõ chủ đề sẽ nghe, dạng nghe nào, và ĐIỀN BAO NHIÊU TỪ vào mỗi câu trả lời. Tối đa là KHÔNG QUÁ 3 TỪ VÀ/HOẶC MỘT CON SỐ, có khi chỉ điền TỐI ĐA LÀ MỘT TỪ. Các bạn phải lưu ý điều này, nếu không sẽ không được tính điểm nếu các bạn ghi quá số từ quy định.

      - Phải cố gắng hoàn thành phần 1 tốt nhất có thể để tự tin hơn cho các phần nghe tiếp theo.
 
     - Tận dụng thời gian 15 giây giữa các phần và khi kết thúc một phần nghe nào đó để tiếp tục đọc, gạch chân những từ chính, mấu chốt (key words) trong bài, để khi nghe thì nên tập trung kỹ hơn vào nội dung mà đề thi yêu cầu. 

     - Phải làm sao khi vừa nghe xong phần 3 là bạn đã đọc xong luôn phần 4. Khi đó, trước khi nghe phần 4,  bạn sẽ có thời gian thêm 1 phút để đọc lướt một lần nữa các câu hỏi. Như vậy, bạn đã nắm chắc được các nội dung cần trả lời trước khi nghe thì khả năng đạt kết quả cao là khả quan. 

      - Nhiều thí sinh chờ đến khi nghe phần 4 mới lo tập trung đọc các câu hỏi thì không còn kịp nữa, khi bạn vừa đọc câu hỏi, vừa nghe thì không thể nào làm tốt phần này. Đó là lý do chính vì sao mà đa số thí sinh hụt hơi ở phần này và cho rằng đây là phần khó nhất. Nhớ nhé, phải đọc cho nhanh phần này trước khi kết thúc phần 3!

       - Nội dung câu hỏi sẽ theo thứ tự nội dung của đoạn hội thoại hoặc bài thuyết trình, do đó phải tập trung nghe luôn những phần không phải là câu hỏi để biết nhân vật đang nói đến nội dung gì, KHÔNG NÊN nghe xong một ý của đoạn nào rồi chuyển sang câu tuốt phía dưới ngồi đợi mà không nghe thêm để biết nhân vật nói tới đâu, bởi vì như thế các bạn sẽ rất hoang mang không biết bao giờ họ sẽ nói đến nội dung này, đã nói đến chưa, hay đã nói rồi. Trong trường hợp đó, bạn sẽ vô cùng hoang mang và chắc chắn đi lạc. Trong kỳ thi nghe IELTS, khi đã trượt qua nội dung đó thì coi như mất điểm vì thí sinh đâu có cơ hội nào mà nghe lại. Chỉ có thể nghe lại khi mình đóng tiền đi thi tiếp đợt sau!

     -  Khi không nghe được một câu nào đó thì bỏ qua, tập trung nghe câu tiếp theo, vì đôi khi các nội dung trả lời nối tiếp nhau. Nếu bạn cứ lo suy nghĩ về đáp án cho một câu mà mình không chắc chắn thì có thể bạn đã bỏ lỡ tiếp rất nhiều câu dễ ăn điểm phía sau. Nên nhớ, bài nghe được thiết kế rất công phu, sẽ có một vài câu khó chỉ dành riêng cho những bạn nào có kỹ năng nghe thật tốt và vốn từ kha khá. Nếu bạn không nghe rõ một hai từ trong bài nghe là chuyện bình thường. Đừng quá lo lắng.

      - Khi chuyển đáp án sang phiếu trả lời thì phải cẩn thận, không nên vội vàng bởi gì các bạn có đến 10 phút chỉ để ghi đáp án cho 40 câu. Có rất nhiều thời gian cho các bạn nên các bạn cứ bình tĩnh mà ghi cho chính xác từng câu, đừng ghi nhầm đáp án câu này sang câu khác nhé. 

      -  Khi chuyển xong rồi thì cũng nên xem lại mình đã viết đúng chính tả cho các từ trả lời chưa, có đúng số ít, số nhiều chưa.

       - Nếu đã xong rồi, kiểm tra kỹ rồi thì chỉ việc uống một ngụm nước, thư giản ngồi chờ cho hết giờ để làm bài thi Đọc (Reading) kế tiếp thôi.

Hy vọng các mẹo nhỏ trên giúp các bạn hình dung được nội dung bài thi nghe và những việc nên làm trong phòng thi. Tất nhiên, các bạn cũng phải học tập nghiêm túc, luyện nghe thường xuyên ở nhà để nâng cao kỹ năng nhé. “Practice Makes Perfect” mà. Nên nhớ tôi đã thi và đạt 9.0 môn nghe thì không có lý do gì mà các bạn không làm được. I can do it and you can too!

No comments:

Post a Comment